Quả thanh mai là gì mà được nhiều người ưa chuộng tới vậy – các bạn hãy tìm hiểu ngay để hiểu rõ hơn.
Thời gian gần đây trên các tuyến phố Hà Nội xuất hiện một loại quả đẹp mắt, có màu tím, chín mọng, to như mận, hình dáng giống quả dâu tằm và được gọi là thanh mai. Bên cạnh đó, loại quả này được người bán hàng quảng cáo như một đặc sản của núi rừng.
Quả thanh mai có rất nhiều công dụng cho sức khỏe.
Quả thanh mai hay còn gọi là dâu rượu có tên khoa học là Myrica sp. Loại cây này mọc tự nhiên tại nhiều địa phương, nhất là ở tỉnh Lâm Đồng (Núi Langbian) và ở các tỉnh từ Quảng Trị trở ra Bắc, đặc biệt là ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh, Lào Cai…. Cây này còn phân bố ở Ấn Độ, Nepal, Nam Trung Quốc, Lào, Nhật Bản.
Người dân thường thu hái các bộ phận của cây quanh năm về để ăn và làm thuốc. Ở Quảng Bình, người ta dùng quả tươi cho lên men chế rượu dâu dùng uống tốt thay các loại nước lên men; cũng có thể dùng quả khô để chế nước uống riêng…
Loại cây này có đặc điểm cao khoảng 0,4-0,5 m. Cành cây thường có phủ lông tơ, lá xanh tươi quanh năm. Quả có đường kính 5 mm – 1 cm khi chín có màu đỏ tím, mọng nước. Quả thanh mai thường chín vào khoảng tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Quả tròn, nhỏ như quả mận, có màu đỏ thẫm và nhiều múi nhỏ li ti ngoài bề mặt quả giống như quả dâu ta.
Công dụng của quả thanh mai
Trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS Đỗ Tất Lợi có ghi về quả thanh mai được dùng làm thuốc đầu tiên trong Khai Tống bản thảo sau đến Bản thảo cương mục. Tài liệu cổ ghi loại quả này có vị chua, ngọt, tính bình, có tác dụng lý khí, tán ứ, thanh thấp nhiệt.
Quả phơi khô được dùng để chữa rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, lỵ, các bệnh về da bằng cách dùng vỏ khô sắc với nước uống trong ngày. Thân hoặc vỏ rễ được dùng sắc nước rửa nơi bị ngứa chữa lở ngứa. Hạt của loại quả này còn dùng chữa chứng ra mồ hôi chân… Ngoài chức năng giải nhiệt, tốt cho tiêu hóa, còn tốt cho máu não và mắt, tăng khả năng miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tiểu đường, chống lão hóa tốt.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra loại quả này chứa 7-10% đường, 0,5-1% axit hữu cơ và rất ít myrixetin. Lá chứa 0,02-0,03% tinh dầu, tanin và taraxerol. Đặc biệt, đây là một loại vô cùng tốt đối với sức khỏe con người.
Tại Trung Quốc, người ta còn dùng thanh mai để chữa ho, đau dạ dày, tiêu chảy, lỵ. Hạt được dùng chữa mồ hôi chân. Vỏ thân, rễ dùng dưới dạng sắc để điều trị vết loét ngoài da hoặc ngộ độc do thạch tín. Tại Ấn Độ, Nhật Bản những cây to được dùng để làm nguyên liệu tanin, nhuộm màu vàng cho ruốc cá.
Điều này chứng tỏ nước ta chưa khai thác triệt để công dụng của thanh mai. Đa phần người dân chỉ mua về ăn hoặc ngâm thành nước uống giải nhiệt cho mùa hè.
Theo Phunutoday