Miếng cơm cháy vàng đều, giòn, thơm, khi ăn kèm nước sốt càng tăng thêm vị đậm đà, thêm dẻo, thêm ngọt. Đặc biệt, ăn cơm cháy kèm với thịt dê và chút rượu Kim Sơn là trải nghiệm tuyệt vời nhất tại Ninh Bình.
Một món ăn mộc mạc, thể hiện sự khéo léo của bàn tay con người, đã được lưu truyền cả trăm năm nay, trở thành đặc sản của vùng đất cố đô – là cơm cháy, món ngon nổi tiếng của Ninh Bình.
Món cơm cháy không phải là món ăn cổ truyền của người Ninh Bình, nhưng do một người con cố đô sáng tạo ra và được lưu giữ, phát triển cho tới nay.
Sự ra đời của cơm cháy gắn với câu chuyện tình của chàng trai cố đô chăm chỉ, tài giỏi. Đinh Hoàng Thăng sống cuối thế kỉ 19, làm công cho một quán ăn của người Hoa ở Thăng Long. Chàng và con gái chủ quán yêu nhau sâu đậm nhưng ông chủ quán cản phá.
Chàng trở về quê hương, nuôi mộng giàu có để cưới được nàng. Chàng đã sáng tạo ra món cơm cháy và xây dựng cửa hàng lớn. Tiếng lành đồn xa, ông chủ cũ cảm phục ý chí của chàng và gả con gái cho. Đến nay, cơm cháy không chỉ là báu vật của dòng họ Đinh, mà đã trở thành đặc sản của mảnh đất Ninh Bình.
Cơm cháy làm từ gạo tám hoặc gạo nếp, sản vật của quê hương Bắc Bộ. Việc nấu cơm ngon đòi hỏi kinh nghiệm và sự tỉ mỉ. Bà con dùng nồi gang to để nấu cơm. Cơm phải vừa nước, dẻo, khi chín tới thì nhanh tay lấy phần cơm ra, để lại phần cháy ở đáy nồi. Rồi đun cho phần cháy chín đều, lấy đũa khẽ đụng vào cho phần cháy bong ra khỏi nồi. Khi cả mảng cháy vàng đều và bong ra, nhanh tay lấy cháy ra, chia thành miếng to rồi phơi khô để dùng dần.
Ngày nay, với sự phát triển của máy móc, việc nấu cơm, phơi cháy có máy móc hỗ trợ, nhưng cách nấu cơm truyền thống vẫn tạo ra những mẻ cơm cháy ngon nhất.
Khi ăn, đem những mảnh cơm cháy đã phơi khô rán vàng giòn. Nhưng không phải cứ rán lên mà ăn ngay, mà còn có những đồ ăn kèm. Nghe bà con kể chuyện, chúng tôi mới biết sự cầu kì trong việc làm và thưởng thức cơm cháy. Tùy theo từng mùa mà chế đồ ăn kèm, mùa hè thì làm nước sốt mắm hành với tim cật lợn hoặc thịt dê, đun lên cho sánh, thơm; mùa đông thì làm ruốc thịt hoặc ruốc tôm để ăn kèm. Mỗi gia đình, mỗi vùng lại có cách chế nước sốt khác nhau, nhưng đều góp phần tăng thêm vị ngon của cơm cháy.
Miếng cơm cháy vàng đều, giòn, thơm, khi ăn kèm nước sốt càng tăng thêm vị đậm đà, thêm dẻo, thêm ngọt. Đặc biệt, ăn cơm cháy kèm với thịt dê và chút rượu Kim Sơn là trải nghiệm tuyệt vời nhất tại Ninh Bình.