Nhưng đúng là nó có trái thật. Cả chục trái chứ không phải ít. Sau khi thấy tận mắt, má tôi cười: “Vậy là hên rồi, chớ sa kê nhà người ta tháng 3, tháng 4 mới có bông”.
Cái sân chỗ sàn nước trống trơn, mỗi khi có đám tiệc, ngồi làm công chuyện nắng quá nên má tôi kêu thằng Út mua 2 cây sa kê về trồng để lấy bóng mát.
Thằng Út lựa chọn khắp nơi mới mua được 2 cây sa kê ưng ý. Nó trồng cạnh mé mương, 2 cái cây đủ nước lớn nhanh như thổi.
Nhưng chúng cứ lớn mãi mà chẳng thấy có trái. Tôi nghe người ta bàn cây sa kê phải trồng bằng cây con mọc ra từ rễ cây thì mới có trái nên cũng cất công đi tìm cho thằng Út. Tìm chưa được cây giống mới thì hôm Tết về nhà, tôi phát hiện một trong 2 cây sa kê… có trái! Nghe tôi nói, má tôi không tin: “Trái đâu mùa này mà trái bay?”.Nhưng đúng là nó có trái thật. Cả chục trái chứ không phải ít. Sau khi thấy tận mắt, má tôi cười: “Vậy là hên rồi, chớ sa kê nhà người ta tháng 3, tháng 4 mới có bông”.
Nhờ ra trái nghịch mùa như vậy mà tuần trước tôi về quê mới được thưởng thức món sa kê chiên giòn của cô em dâu. Trước giờ, tôi chỉ ăn sa kê hấp chấm đường hay muối mè, thi thoảng theo má đi chùa được ăn sa kê nấu kiểm rất ngon. Còn lần này, cô dâu mới của má tôi trổ tài nấu nướng, đãi anh chị chồng món “lạ”. Bà xã tôi vốn kén ăn mà cũng khen cái món “bên ngoài giòn rụm nhưng bên trong mềm mụp” ấy.
Em dâu tôi làm nước chấm cho món sa kê chiên giòn là tương ớt pha chút xốt mayonnaise nhưng tôi vốn không thích mấy thứ “nửa ta nửa tây” ấy nên bảo bà xã làm cho chén nước mắm tỏi ớt. Tôi lấy lá cải xanh cuốn miếng sa kê chiên giòn lại rồi chấm nước mắm. Chu choa, phải công nhận là mấy thứ ấy hòa quyện với nhau ngon đến tê đầu lưỡi.
“Chỉ cho chị làm với” – ăn xong, bà xã tôi bảo em dâu. Em dâu tôi kể tình cờ một lần người hàng xóm cho mấy trái sa kê, luộc ăn chán chê rồi thì em nghĩ đến chuyện đổi món. Lúc đó trong nhà không có sẵn gia vị nên em lấy nước cốt dừa trộn với trứng và bột mì, cho thêm chút muối. Sa kê gọt vỏ bỏ ruột xắt mỏng. Bắc chảo dầu lên cho sôi, lấy từng miếng sa kê nhúng vào tô hỗn hợp bột trứng rồi cho vô chảo dầu. Miếng sa kê nổi lên, vàng đều là được.
Nếu một ngày đẹp trời nào đó, có ai cho bạn trái sa kê thì hãy thử làm cái món “giòn rụm mà mềm mụp” này xem sao nhé.