Dị tật thai nhi là điều mà không cha mẹ nào muốn vậy làm thế nào để phòng ngừa nguy cơ này?
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trước và trong suốt thời gian mang thai, nếu người mẹ chịu khó chăm sóc sức khỏe bằng những lần đi khám định kỳ và có chế độ ăn uống khoa học sẽ giảm đến mức tối đa nguy cơ thai nhi bị dị tật.
Trước khi mang thai
Nên đi khám sức khỏe tổng quát để bác sĩ có thể phát hiện và điều trị dứt điểm nếu bạn mắc phải các bệnh truyền nhiễm hay các bệnh lây qua đường tình dục. Trước khi mang bầu 3 tháng, nên đi tiêm phòng các bệnh như cúm, viêm gan B, rubella… Bắt đầu bổ sung viên sắt và axit folic một tháng trước khi có thai để thai nhi phòng tránh dị tật ống thần kinh và tránh được nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh nặng như hở ống thần kinh, vô sọ, não úng thủy nặng, thoát vị não, màng não.
Trong thời gian mang thai
– Khám thai định kỳ
Phải đi khám thai định kỳ và sàng lọc bằng siêu âm ít nhất ba lần: Lần đầu: tuổi thai từ 11 – 13 tuần; Lần 2: tuổi thai từ 18 – 22 tuần; Lần 3: tuổi thai từ 28 – 32 tuần. Tốt hơn cả là dùng máy siêu âm ba chiều. Với ba lần làm siêu âm chẩn đoán, có thể phát hiện hầu hết các dị tật bẩm sinh cả trong nội tạng và bên ngoài, xét nghiệm máu ở tuần thai thứ 13 trở đi để kiểm tra hội chứng Down của thai.
– Không sử dụng thuốc tùy tiện
Trong thai kỳ, nếu người mẹ uống một số các loại thuốc có hại như thuốc chống co giật, thuốc kháng giáp, thuốc trị ung thư, thuốc kháng sinh và một số loại thuốc trị mụn trứng cá… cũng có nguy cơ gây dị tật cho thai. Ngoài ra, tránh tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu… để tránh gây hại cho thai.
– Không tiếp xúc với chó mèo
Trong phân chó, mèo, lông mèo có chứa vi khuẩn Toxoplasmosis, nếu thai phụ bị nhiễm vi khuẩn này trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ làm 40% thai nhi bị dị tật, trong đó 15% bị dị tật nặng. Những dị tật thường gặp là điếc, đầu nhỏ và chậm phát triển… Để tránh nhiễm Toxoplasmosis, thai phụ không nên nuôi chó, mèo hoặc tiếp xúc với chó, mèo.
– Không uống nước để lâu trong bình nhựa
Nước uống để trong thời gian dài có thể là môi trường phát sinh nhiều loại vi khuẩn gây hại. Hơn nữa, một số hóa chất từ nhựa cũng có khả năng phân hủy, hòa tan, gây nhiễm độc nước. Vì thế, bà bầu không được sử dụng nước để lâu trong bình nhựa.
– Lưu ý ăn uống
Hạn chế sử dụng các loại cá có nguồn thủy ngân cao như cá mập, cá kiếm, cá thu, cá cờ… Không ăn các loại củ quả mọc mầm vì chúng thường chứa nhiều chất độc, các sản phẩm nhiều cafein, cocain… cũng nên tránh dùng.
Theo Eva