Nếu chẳng may con bạn bị xâm hại tình dục. Bạn đã thực sự biết cách giúp con vượt qua chưa? Nếu chưa, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây:
1. Tội phạm xâm hại tình dục ngày càng gia tăng
Trong những năm gần đây, tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng về số lượng, mỗi năm khoảng 1000 em bị xâm hại tình dục.
Theo thống kê của Bộ Công An, trong 5 năm (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam.
Tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng.
Năm 2011, lực lượng chức năng bắt hơn 1.000 đối tượng, đến năm 2015 số đối tượng tăng lên hơn 1.400. Hầu hết nghi can phạm tội trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em là những người gần gũi nạn nhân như người quen của bố mẹ, hàng xóm, thậm chí là giáo viên, bố dượng, bố đẻ…
Đặc biệt, đối tượng sử dụng mạng xã hội, diễn đàn internet, nhắn tin trực tuyến để phạm tội ngày càng tinh vi.
2. Cách xử lý khi con bị xâm hại
Là cha mẹ, chẳng ai mong muốn con mình rơi vào tình trạng này. Nhưng nếu chẳng may, con bạn bị xâm hại tình dục, các bậc làm cha làm mẹ hãy tham khảo những gợi ý dưới đây để giúp con vượt qua cú sốc này nhé:
– Kiềm chế cảm xúc đau đớn, giận dữ của mình để trấn an trẻ, tuyệt đối không đánh mắng trẻ vì bị xâm hại không bao giờ là lỗi của trẻ.
– Nhẹ nhàng nói chuyện với con, hỏi “Con đang đau ở đâu? Đau thế nào? Ai làm con đau?”; sau đó, vỗ về trẻ, khẳng định với trẻ là có ba mẹ ở đây sẽ giúp con hết đau. Trường hợp trẻ chỉ bị xâm hại nhe, chưa tổn thương vùng kín thì khi nghi ngờ, cha mẹ cũng cần hỏi con rõ ràng “Chuyện gì làm con sợ, con buồn? Ai đã làm con sợ? Ai đã làm con buồn?”.
Cha mẹ cần nhẹ nhàng nói chuyện với con.
– Kiểm tra sơ bộ các tổn thương thân thể của con nếu có, sau đó dù không thấy vẫn cần thiết mang con đến cơ sở y tế để khám sức khỏe toàn diện và tiếp nhận các điều trị nếu cần.
– Nếu trẻ có các dấu hiệu tâm lý bất ổn thì cha mẹ cần đưa con đến các trung tâm tư vấn tâm lý, trị liệu tâm lý dành cho trẻ em.
– Cha mẹ dành nhiều thời gian bên con, đưa con đi chơi những trò chơi con thích, đọc sách, kể chuyện vui để giúp con mau chóng quên đi ám ảnh và sợ hãi của vụ xâm hại, tuyệt đối không nhắc lại vụ việc đã qua. Nếu trẻ bị xâm hại ở trường, cha mẹ cần cân nhắc việc chuyển trường cho con để tránh gợi nhớ lại sự kiện đau lòng và cũng tránh việc trẻ trở thành đề tài bán tán của thầy cô, bạn bè nếu chẳng may thông tin trẻ bị xâm hại bị rò rỉ ra ngoài.
– Cha mẹ dặn dò con kỹ lưỡng về các nguyên tăc để phòng tránh việc bị người khác xâm hại, tránh trẻ bị rơi vào nỗi đau này thêm một lần nữa.
– Mang các giấy tờ giám định thương tổn thể chất lẫn tinh thần của con đến cơ quan công an để tố cáo kẻ xâm hại bất kể mức độ nặng nhẹ, không nên vì sĩ diện mà che dấu sự việc.
– Trong suốt hành trình tiến hành các biện pháp xử lý nói trên, cha mẹ hạn chế tối đa việc chia sẻ thông tin chuyện trẻ bị xâm hại cho những người không liên quan.
Cha mẹ dặn dò con kỹ lưỡng về các cách phòng tránh bị người khác xâm hại.
Là các bậc cha mẹ, bạn cũng cần sự giúp đỡ. Các bậc cha mẹ trải qua những cảm xúc như hoài nghi, tức giận hoặc buồn bã khi họ biết con mình bị xâm hại. Các bậc cha mẹ có thể đổ lỗi cho chính mình hoặc đổ lỗi cho nhau về những gì đã xảy ra với con cái họ. Nói ra những cảm xúc đó với một người nào đó bạn tin tưởng là một cách giúp bạn thoát khỏi tình trạng này. Hãy kiên nhẫn với chính mình, để những cảm xúc đó thay đổi có thể phải mất một thời gian dài.
Không có gì đáng phải xấu hổ với một gia đình có con bị xâm hại. Sự xâm hại là một tội ác – giống như một kẻ cướp – và điều này không phải do gia đình đó gây ra.
Theo Phunutoday