Theo y học cổ truyền, hoa lan tiêu có vị chua, tính hơi lạnh; vào các kinh Can và Tâm Bào; chủ trị các chứng phong nhiệt, tả huyết nhiệt, phá huyết ứ. Lá và cành có vị đắng, tính bình, không độc; có tác dụng ích khí lương huyết, sinh cơ, trị hầu tí do phong nhiệt. Rễ và cành có công dụng trừ phong hoạt huyết, tiêu thũng giải độc.
Hoa lan tiêu còn có tên là tử uy hoa, nữ uy hoa, trụy thai hoa… Là cây có lá kép hình lông chim, hoa nở từ mùa hè kéo dài đến đầu mùa thu, hoa to, đài hoa hình chuông, tràng hoa hình phễu phía trên xẻ thành 5 phiến. Đến mùa đông cây rụng lá, chỉ còn thân trơ ra như những cành củi khô. Cuối mùa xuân cây mới bắt đầu đâm chồi, trên thân cây lại mọc ra những cụm rễ không bám vào đất mà hút lấy hơi nước và các chất dinh dưỡng từ trong không khí để nuôi cây.
Để làm thuốc, người ta thu hái hoa phơi trong bóng râm hoặc sao khô bằng lửa nhỏ để tích trữ dùng dần. Rễ và cành được thu hoạch vào mùa thu, rửa sạch thái phiến, sao thơm.
Hoa lan tiêu.
Một số bài thuốc cụ thể:
Chữa xương khớp đau nhức do thời tiết: Rễ lan tiêu tươi 30g, ngũ gia bì tươi 30g, ngưu tất 9g, quế chi 9g. Tất cả cho vào ấm đổ 550ml nước, sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày, 10 ngày 1 liệu trình.
Trị chứng đau bụng kinh kỳ: Hoa lan tiêu rửa sạch, phơi khô, tán nhỏ uống mỗi lần 4g, ngày 2 lần, uống với 30ml rượu trắng. Uống trước kỳ kinh 15 ngày, 10 ngày 1 liệu trình.
Trị trứng cá đỏ: Hoa lan tiêu 9g, chi tử 9g đem tán nhỏ, trộn đều, cất vào lọ dùng dần. Hàng ngày, sau mỗi bữa ăn uống 6g, chiêu bằng nước ấm,10 ngày 1 liệu trình.
Chữa kinh nguyệt không đều: Hoa lan tiêu 9g, hoa hồng 9g, ích mẫu 15g, đan sâm 15g, hồng hoa 6g. Tất cả cho vào ấm đổ 700ml, sắc còn 250ml chia 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn ấm, dùng liền 15 ngày. Hoặc: hoa lan tiêu 2 phần, đương quy 1 phần, nghệ đen 1 phần. Tất cả đem sấy khô, tán mịn, trộn đều; ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g bột thuốc.
Lưu ý: Những người có thể chất suy nhược, khí huyết hư yếu và phụ nữ có thai không được dùng lan tiêu.
Theo Phunutoday