Sa dây rốn là gì? Dấu hiệu, triệu chứng và cách xử lý sa dây rốn sẽ được hướng dẫn sau đây.
Dây rốn là cầu nối quan trọng giữa mẹ và bé giúp vận chuyển oxy cùng các dưỡng chất cho bé cưng phát triển. Trong quá trình chuyển dạ, dây rốn sẽ bị chèn ép trong một thời gian ngắn do các cơn co. Đây là hiện tượng bình thường tự nhiên, và em bé sẽ tự biết cách điều chỉnh để chui ra ngoài. Tuy nhiên nếu thời gian dây rốn bị chèn ép kéo dài, có thể sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm.
Sa dây rốn là gì
Trong quá trình sinh nở, dây rốn thường ở phía trên đầu của thai nhi. Sa dây rốn là hiện tượng dây rốn sa qua cổ tử cung và đi vào ống sinh, cản trở đường ra của em bé. Đây là biến chứng nguy hiểm trong sản khoa vì khi đó dây rốn bị chèn ép, ảnh hưởng đến việc chuyên chở oxy và máu đến em bé.
Sa dây rốn là tình trạng dây rốn bị sa trước ngôi thai, có thể xảy ra lúc còn ối (sa dây rốn trong bọc ối).
Yếu tố nguy cơ liên quan đến sa dây rốn
Những yếu tố sau làm tăng nguy cơ bị sa dây rốn:
– Đa ối: Quá nhiều nước ối khiến em bé nổi lên trên vành cổ tử cung, làm cho dây rốn bị sa xuống.
– Ngôi thai bất thường: Ngôi thai thuận lợi nhất là ngôi đầu (đầu em bé chúc xuống cổ tử cung). Các ngôi thai khác như ngôi mông, ngôi ngang…đều có thể khiến dây rốn bị sa xuống trước.
– Vỡ ối sớm: Vỡ ối sớm trước cơn chuyển dạ cũng đẩy dây rốn xuống phía trên đầu của bé.
– Mang đa thai: Khi mang đa thai, không gian trong tử cung có thể chật chội so với bé, khiến dây rốn bị sa.
– Khởi phát chuyển dạ cũng khiến dây rốn bị sa.
Dấu hiệu sa dây rốn
Dấu hiệu thường gặp nhất là suy thai, bao gồm các triệu chứng như nhịp tim giảm đột ngột, huyết áp và nồng độ oxy giảm. Nếu dây rốn bị sa qua cổ tử cung trong chuyển dạ, thai phụ có thể nhìn thấy cả dây rốn hoặc cảm nhận được.
Bác sỹ chuyên môn sẽ tiến hành khám trong và đẩy đầu em bé tránh khỏi dây rốn hoặc tiến hành mổ lấy thai để bảo toàn tính mạng cho hai mẹ con.
Cách xử trí chung
Sa dây rốn trong bọc ối:
– Sản phụ nằm đầu thấp, mông cao, không rặn để bảo vệ ối khỏi bị vỡ.
– Cần được cấp cứu và mổ lấy thai càng sớm càng tốt.
Sa dây nhau khi đã vỡ ối:
– Xác định xem dây rốn còn đập không, bằng cách kẹp dây rốn vào giữa hai ngón tay để xem dây rốn đập mạnh hay yếu, đồng thời nghe tim thai trên bụng mẹ.
– Nếu xác định là thai đã chết (dây rốn hết đập, không nghe thấy tim thai) thì không còn cấp cứu. Theo dõi để cuộc đẻ tiến triển bình thường.
– Nếu thai còn sống: Sản phụ nằm chổng mông, nhẹ nhàng đẩy dây nhau lên và không nên rặn đẻ.
Bọc dây nhau bị sa vào gạc lớn, đóng khố vô khuẩn cho sản phụ, rồi đưa đi cấp cứu.
Phải kịp thời cấp cứu và mổ lấy thai càng sớm càng tốt.
Trong khi chờ đợi mổ, nên cho người bệnh nằm đầu thấp, mông cao để dây nhau đỡ bị ép chặt giữa ngôi và tiểu khung.
Theo Phunutoday