Chăm sóc 6 điểm yếu trên cơ thể bà bầu

Mang thai là chuỗi thời gian hạnh phúc ngập tràn những điều mới mẻ, nhưng cùng với đó, cũng là lúc các bà bầu phải đối diện với những nguy cơ về sức khỏe.

Những bộ phận như răng, ngực, lưng, vùng kín, chân và làn da là những bộ phận cần đặc biệt quan tâm.

Răng

Bắt đầu từ lúc mang thai, thai phụ cần chú ý chăm sóc răng miệng hơn so với bình thường. Các  hoocmon được tiết ra trong quá trình mang thai khiến lợi dễ sưng, hay bị chảy máu, răng xốp, dễ gẫy.

Do đó, các bà bầu hãy nhớ, 1 ngày nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày. Đánh răng sau bữa ăn và nên duy trì thời gian trung bình 3 phút/ lần. Dùng bàn chải lông mềm để đánh răng, tránh việc dễ chảy máu. 3 tháng một lần, bà bầu nên đi lấy cao răng thay vì 6 tháng như lịch thông thường. Không sử dụng các loại thuốc đánh răng có chứa chất thuốc hay quá nhiều thành phần hóa học. Bà bầu cũng không nên coi nhẹ chuyện khám răng định kỳ, dù bạn không bị đau răng hay gặp các vấn đề về răng miệng.

1183 Chăm sóc 6 điểm yếu trên cơ thể bà bầu

Bà bầu nên đi massage để toàn thân thư giãn, mạch máu lưu thông. (ảnh minh họa)

Vùng ngực

Mang thai được khoảng 40 ngày, các bà bầu bắt đầu cảm thấy ngực có hiện tượng căng tức. Thai nhi được từ 3 đến 4 tháng, hai bầu ngực bắt đầu lớn dần, các tĩnh mạch ở vùng ngực giãn ra, đầu vú trở nên thâm hơn thay vì mầu hồng như thời còn chưa bầu bí.

Để bảo vệ cho đôi gò bồng đảo trong thời kỳ mang thai, các bà mẹ tương lai nên cẩn thận chọn những áo ngực. Áo ngực có độ co giãn cao và không ép chặt đầu vú. Đặc biệt, nếu bạn lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ, việc bảo vệ và vệ sinh vùng ngực càng cần phải được chú trọng. Thường xuyên dùng nước ấm vệ sinh đầu vú và vầng da quanh đầu vú, sau đó lau khô. Tuyệt đối không thoa các loại kem lên đầu vú.

Lưng

Theo khảo sát, từ 1/2 đến 3/4 số  phụ nữ mang thai bị đau lưng nhẹ, và 1/3 còn lại thì bị chứng đau lưng hành hạ. Nguyên nhân là vì để chuẩn bị cho sự mang thai 9 tháng 10 ngày và sự ra đời của một sinh linh bé bỏng, các bộ phận khác trên cơ thể phải chia sẻ chất dinh dưỡng với bụng bầu, trong đó, vùng lưng phải san sẻ nhiều nhất.

Để khắc phục hoặc giảm bớt bệnh ở lưng trong thời kỳ mang thai, các bà bầu nên chăm chỉ luyện các bài tập thể dục nhẹ nhàng. Mỗi khi đứng lên, ngồi xuống, nên thực hiện từ từ, giữ tư thế thẳng, hai vai giữ bằng. Khi bị đau, không nên lạm dụng các loại thuốc hay dầu nóng mà nên điều trị bằng các cách chườm nóng hoặc matxa.

Vùng chân

Trong quá trình mang thai, dưới tác động của các kích thích tố cũng như sự thay đổi của hệ tuần hoàn máu để nuôi dưỡng thai nhi, cơ thể của người mẹ sẽ trữ nhiều nước hơn. Đến giai đoạn giữa của thai kỳ, tử cung có sự phát triển rõ ràng, tạo ra sự chèn ép các tĩnh mạch… khiến quá trình tuần hoàn máu trở nên chậm hơn, những chất dịch đọng trong huyết quản có thể bị đọng lại ở vùng chân, đặc biệt là bàn chân, dễ dẫn đến hiện tượng phù nề.

Đồng thời, khi trọng lượng của các thai phụ tăng lên, thể trọng của chân cũng cùng đó mà tăng theo. Các bắp thịt luôn có cảm giác rã rời, mệt mỏi. Tình trạng thiếu canxi dễ dẫn đến hiện tượng chuột rút gây đau đớn.

Do đó, các bà bầu đừng chủ quan trong việc chọn ghế ngồi khi làm việc. Chọn loại ghế vừa với chiều cao, không quá thấp, không quá cao, có lưng tựa thoải mái, phù hợp. Cho dù mang bầu chưa lộ bụng, dáng chưa nặng nề, bạn cũng không nên ngồi bắt chéo hai chân. Không ngồi lâu một chỗ mà vận động nhẹ nhàng để máu lưu thông… Nhờ chàng xoa bóp vùng chân sẽ là một liệu pháp tuyệt vời cho các bà bầu.

Để tránh hiện tượng chuột rút, bà bầu không nên để chân hoạt động quá nhiều, không đi giày cao gót. Ăn những đồ có chứa chất canxi để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể. Hàng ngày, chị em “bầu bí” không nên lười biếng việc tập thể dục, hãy nhớ dành thời gian để đi bộ hàng ngày.

Làn da

Sau khi mang thai, hệ tuần hòan phải làm việc nhiều hơn, nhiệt độ cơ thể tăng cao và sự thay đổi các kích thích tố khiến làn da trở nên bóng, mịn, căng và thậm chí là đẹp hơn so với lúc chưa mang thai. Tuy nhiên, đây cũng là lúc làn da bạn trở nên mẫn cảm, có thể chịu cảnh quá khô hoặc quá dầu, nổi mụn như tuổi dậy thì, gò má có thể bị nám, hoặc xuất hiện những vết rạn. Tất cả những điều này đều là những dấu hiệu bình thường, và nếu như có sự chăm sóc cẩn thận, các bà bầu vẫn sẽ giữ được một làn da đẹp, hoặc giảm bớt những tiêu cực của việc mang bầu tới làn da.

Thời gian mang bầu, làn da của nàng bầu bí đặc biệt với tia bức xạ trong ánh nắng mặt trời, nên bạn nhớ cẩn thận che chắn những vùng da “lộ thiên”. Uống nước và rửa mặt thường xuyên để loại bỏ dầu hoặc khắc phục làn da quá khô, nhưng nên sử dụng những loại sữa rửa mặt có chiết xuất từ thiên nhiên. Nếu có điều kiện, các bà bầu nhớ đi chăm sóc da theo định kỳ tại những trung tâm chăm sóc da chuyên nghiệp.

Vùng kín

Sau khi mang thai, dưới tác động của các hooc môn, cùng hiện tượng sung huyết ở âm đạo, bên ngoài bộ phận sinh dục tiết ra nhiều chất nhờn hơn… dễ dẫn đến hiện tượng “cô bé” bị viêm nhiễm, ngứa ngáy.

Do đó, việc vệ sinh và chăm sóc cho vùng nhạy cảm khi mang thai là điều cực kỳ quan trọng. Khi có hiện tượng viêm nhiễm, đừng ngần ngại đến bác sĩ phụ khoa để khám.

Theo Eva

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *