Với một chút kinh nghiệm của mình xin chia sẻ với các bạn bầu bí một vài cách đề phòng và xử lý khi nhiễm nấm âm đạo nhé!
Sẽ là một trở ngại cho những bà bầu khi bị nhiễm nấm vì cảm giác ngứa ngáy râm ran, khí hư ra nhiều làm bạn khó chịu, mệt mỏi. Đặc biệt tại thời điểm khí hậu ẩm ướt, mưa nắng thất thường cộng thêm những thay đổi trong quá trình thai nghén là nguyên nhân cho các loại nấm phát triển mạnh. Bạn sẽ làm gì khi bị nhiễm nấm đây?
Với một chút kinh nghiệm của mình xin chia sẻ với các bạn bầu bí một vài cách đề phòng và xử lý khi bạn nhiễm nấm nhé.
Hồi mình biết mang thai thấy hiện tượng khí hư ra nhiều, thỉnh thoảng thấy ngứa ở vùng kín nhưng không dám gãi. Mới đầu thấy ngại không biết chia sẻ cùng ai mà đi khám thì cũng không thấy bác sĩ nói gì nên bụng bảo dạ chắc không phải bị nhiễm nấm. Đấu tranh tư tưởng mãi mới dám hỏi chị ở cơ quan xem ngày xưa mang thai chị ấy có bị vậy không thì được biết chị cũng bị giống mình nên mình cứ tưởng do thay đổi lượng hormon trong cơ thể nên tặc lưỡi quên đi…Nhưng rồi cảm giác ngứa vùng kín ngày một nhiều, có lúc khí hư ra ướt thấm đẫm quần gây khó chịu bởi mùi hôi nên có ngày mình phải thay quần chip tới 4 lần ấy.
Khi thai nhi được ba tháng, đi siêu âm bác sĩ bảo mình bị nhiễm nấm âm đạo ở giai đoạn đầu nên không nguy hại lắm. Chỉ cần điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ nếu không điều trị sẽ ảnh hưởng tới làn da hay đôi mắt của bé trong quá trình sinh thường nên bác sĩ khuyên thế này:
– Nên vệ sinh vùng kín bằng nước chè xanh theo cách như sau “lá chè xanh rửa sạch đun kỹ rồi pha với nước thêm một chút muối rồi vệ sinh ngày 2-3 lần”. Nước chè xanh rất tốt vì có tác dụng trong việc ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập, chè xanh có tính sát khuẩn cao và khử được mùi hôi do khí hư tiết ra nhiều…Ngoài việc vệ sinh vùng kín bằng nước chè xanh nên tắm bằng nước chè xanh để cải thiện tình trạng viêm nhiễm do nấm âm đạo gây ra.
– Nên ăn các thực phẩm giàu vitamin A có trong rau quả, trứng, thực phẩm giàu vitamin D có trong cá biển, dầu gan cá, các sản phẩm từ sữa, ăn sữa chua thường xuyên và nên dùng thêm tỏi trong các món ăn để tăng cường hệ miễn dịch.
– Nên uống nhiều nước khoảng 2 lít/ngày.
– Nên mặc quần áo rộng rãi, lựa chọn quần chip bằng chất liệu cotton và thay quần chip thường xuyên.
– Khi đi vệ sinh, nên lau rửa “vùng kín” từ trước ra sau để tránh lây nhiễm nấm từ hậu môn cho “vùng kín”.
Ngoài ra bác sĩ còn khuyên:
Không được ăn quá nhiều các thực phẩm ngọt.
Không tắm nước quá nóng, tránh dùng nước xà phòng có chất tẩy mạnh khi vệ sinh vùng kín vì có thể làm thay đổi môi trường kháng khuẩn tự nhiên trong âm đạo.
Không nên làm sạch vùng kín bằng cách thụt rửa sâu bên trong âm đạo.
Không dùng đồ lót hay miếng lót làm từ vải flannel vì nó sẽ là nơi ẩn náu lý tưởng cho các loại vi khuẩn.
P/S: Bác sĩ còn bảo đa số chị em phụ nữ khi mang bầu đều bị nhiễm nấm âm đạo vì vậy khi đã bị nhiễm nấm rồi thì phải giữ cho vùng âm đạo sạch, khô và tốt nhất không nên mặc quần lót đi ngủ để tăng cường lưu thông không khí giúp vùng kín khô, thoáng.
Sau những lời khuyên hết sức chân thành của bác sĩ mình đã chịu khó vệ sinh hàng ngày với nước chè xanh đun đặc. Bạn biết không cảm giác thoải mái, dễ chịu, khô thoáng làn da làm cho mình tự tin nhiều lắm vì đã không còn mùi hôi, không còn cảm giác ngứa vùng kín nữa. Ngoài ra mình còn thực hiện rất nghiêm chỉnh những điều bác sĩ chỉ dẫn. Kết quả là một tháng sau đi kiểm tra, bác sĩ kết luận việc nhiễm nấm âm đạo ở mình đã không còn xong bác sĩ nói mình vẫn phải tuân thủ những chỉ dẫn đó để 9 tháng mang thai không còn phải lo lắng với việc nhiễm nấm mà chế độ ăn uống như vậy cũng sẽ rất tốt cho bà bầu mà.
Nếu bà bầu nào có bị nhiễm nấm âm đạo cũng đừng lo lắng quá kẻo ảnh hưởng tới mẹ và bé. Hãy làm theo những chia sẻ của mình nhé, rất tốt đó.
Chúc bạn luôn khỏe mạnh trong thai kỳ!
Theo Eva