Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thời điểm phù hợp nhất để uống nước ép trái cây chính là sau bữa ăn hay ngay sau khi trải qua những việc nặng nhọc, căng thẳng… Tuy vậy, bạn lại không nên uống nước ép trái cây vào sáng sớm, khi đói bụng hay ngay trước bữa ăn.
Thời điểm uống tốt nhất
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thời điểm phù hợp nhất để uống nước ép trái cây chính là sau bữa ăn hay ngay sau khi trải qua những việc nặng nhọc, căng thẳng… Tuy vậy, bạn lại không nên uống nước ép trái cây vào sáng sớm, khi đói bụng hay ngay trước bữa ăn.
Lý do là bởi khi các bộ phận cơ thể đang bắt đầu “làm nóng”, đặc biệt là dạ dày, mà bạn lại dùng loại nước uống giàu tính axit như thế thì sẽ gây ra những phản ứng mạnh với dịch dạ dày, dẫn đến các triệu chứng như đau bụng, đầy bụng, khó chịu và chán ăn.
Thậm chí, khi các chất dinh dưỡng trong nước trái cây có nguy cơ bị biến đổi, phân hủy vitamin, làm cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng của cơ thể.
Hạn chế việc cho thêm đường
Với một số loại quả không có độ ngọt đậm tự nhiên, khi uống nước ép, nhiều người thường có thói quen cho thêm đường vào khuấy. Tuy nhiên, điều này không hề tốt một chút nào.
Thực tế, trong các loại trái cây đã hàm chứa một lượng đường nhất định rất tốt cho sức khỏe. Việc thường xuyên cho thêm đường vào nước ép trái cây sẽ vô tình làm cho một lượng đường bị dư thừa trong cơ thể. Điều này có thể dẫn tới nhiều căn bệnh như béo phì, tiểu đường…
Không hâm nóng nước trái cây
Một số bạn có sở thích uống nước trái cây nóng vào mùa đông để vừa giúp làm ấm vừa cung cấp thêm dưỡng chất cho cơ thể. Tuy nhiên, cách làm này không những triệt tiêu một lượng lớn vitamin mà còn dễ khiến bạn bị đau bụng.
Khi hâm nóng, một lượng lớn vitamin và khoáng chất tự nhiên có trong trái cây tươi sẽ bị bốc hơi. Đặc biệt, vitamin C – một loại vitamin rất tốt cho sức khỏe và có trong hầu hết các loại trái cây lại dễ bị biến chất và bốc hơi. Vì vậy, tuyệt đối không hâm nóng nước trái cây mà hãy uống ngay sau khi chế biến xong nhé!
Không sử dụng thìa kim loại để khuấy
Việc làm này không hề tốt nhưng lại có rất nhiều người thường xuyên mắc phải. Nó chính là nguyên nhân chủ yếu làm giảm đi tác dụng của việc uống nước ép trái cây.
Khi sử dụng thìa kim loại để khuấy nước ép trái cây, kim loại có thể phản ứng với các vitamin và khoáng chất có trong nước. Đặc biệt, nó có thể làm phân hủy một số loại vitamin mà chủ yếu là vitamin C.
Tránh pha nước ép trái cây với sữa
Không nên pha trộn nước ép trái cây với sữa vì hàm lượng axit tartaric trong trái cây sẽ phản ứng với protein trong sữa, gây trở ngại cho quá trình hấp thụ. Không chỉ thế, việc pha chế này còn có thể gây đau bụng, đi ngoài đối với những bạn có dạ dày yếu nữa đó!
Ngoài ra, việc uống sữa và nước ép trái cây cũng nên dùng tách biệt nhau ít nhất là 30 phút vì như vậy cơ thể mới có thể hấp thu các dưỡng chất một cách hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, vẫn cần phải khẳng định rằng, ăn trực tiếp trái cây tươi vẫn luôn mang lại hiệu quả tốt và có thể hấp thu các dưỡng chất trong đó một cách triệt để nhất. Vì vậy, bên cạnh uống nước ép, các bạn cũng nên ăn trực tiếp các loại trái cây để có được những chất dinh dưỡng thiết yếu nhất.
Theo Phunutoday